top of page
  • Ảnh của tác giảNHA CHUA CHA

CÔNG TRÌNH CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA QUA CÁC THỜI ĐẠI

Đã cập nhật: 27 thg 4

CHÚA CHA CHÚA CON CHÚA THÁNH THẦN

JERUSALEM MỚI - CHƯƠNG I



CHƯƠNG I: CÔNG TRÌNH CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA QUA CÁC THỜI ĐẠI


I. BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG



1. Tạo Dựng Vũ Trụ .

Trước khi con người được dựng nên, Ba Ngôi Thiên Chúa đã cùng sáng tạo muôn vật: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất,... và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước...” (x.St 1,1-31). Đứng trước oai phong của Ba Ngôi Thiên Chúa trong công trình tạo dựng vũ trụ, Thánh Vịnh 8 diễn tả niềm vui của vạn vật ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa như sau:

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,

lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!

Uy phong Ngài vượt quá trời cao.

 Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ

cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,

khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

muôn trăng sao Chúa đã an bài,

 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,

ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,

đặt muôn loài muôn sự dưới chân:

 Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,

 nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

 Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,

lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu.


2. Tạo Dựng Con Người

Lời Thánh Kinh kể rằng sau khi Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa tạo dựng con người cách đặc biệt. Ba Ngôi cùng hiện diện và thống nhất “Chúng ta hãy làm ra con người”. Thiên Chúa thổi Thần Khí vào nắm đất Ngài đã tạo nên. Nhờ Thần Khí, nắm đất trở thành sinh vật, được gọi là con người như lời Kinh Thánh: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta… Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (x.St 1,26-27).

Những dẫn chứng của Thánh Kinh trên cho chúng ta biết Ba Ngôi Thiên Chúa không bao giờ tách biệt nhau. Đặc biệt khi tạo dựng loài người, thánh sử dùng chữ “Chúng ta” để nói lên sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nếu nơi nào nói đến một Ngôi Vị, thì nhấn mạnh vai trò Ngôi Vị trong công trình đó và ngụ ý luôn có hai Ngôi Vị kia cùng làm việc.

Con người được Thiên Chúa cho sống chung với muôn tạo vật trong thiên nhiên Ngài đã dựng nên, và Ngài trao trách nhiệm bảo vệ công trình, phát triển mọi sự của công trình Ngài dựng nên: “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên khắp mặt đất” (x.St 1,28). Đặc biệt, con người cao trọng hơn muôn vật, vì có hình ảnh Thiên Chúa và được gặp Ngài, làm bạn với Ngài (x.St 3,8-9).

Con người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của Thiên Chúa. Con người thấy nét đẹp của Thiên Chúa hoàn hảo tuyệt đối nên ước muốn được trở nên giống như Người. Con người có tự do quyết định, được đặt tên và chăm sóc vạn vật trong vũ trụ là công trình tạo dựng của Thiên Chúa và quyết định cho hoàn cảnh sống của mình. Vì có tự do, nên Satan lợi dụng ước mơ của con người là muốn “nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (x.St 3,5), chúng đã cám dỗ và hai ông bà Ađam - Evà đã phạm tội, gọi là tội nguyên tổ (x.St 3).

Sau khi bị tuyên án, ông bà bị “đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng”. (x.St 3,23). Từ đó hai thế giới vô hình và hữu hình cách biệt nhau. Sống trong thế giới hữu hình con người phải lao động vất vả để sinh sống.Vũ trụ và thiên nhiên không còn ưu đãi con người như xưa, tuy nhiên Thiên Chúa vẫn thương con người cho mưa thuận gió hòa, bốn mùa xoay vần, có ngày và đêm như hệ thống điều hòa vĩ đại cho con người được sống. Và đặc biệt Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ để giải thoát con người, bắt đầu từ lời nguyền cho ma quỷ: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa ngươi và người nữ, giữa miêu duệ ngươi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15). Từ lời loan báo này, nhân loại chờ đợi một công trình thứ hai của Thiên Chúa: công trình cứu chuộc con người.



II. BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG CÔNG TRÌNH CỨU CHUỘC



1. Vai Trò Của Đức Maria Trong Công Trình Cứu Chuộc


1.1. Lời “Xin Vâng” cứu độ

Tiếng mà cả Thiên Đàng, trần gian và hoả ngục nín thở đón chờ như lời Thánh Bênađô, vị “Tiến Sĩ Chảy Mật” đã kêu lên rằng: “Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, David cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Adam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ”.

Khi nói về tầm quan trọng hai tiếng xin vâng của Mẹ, Công Đồng Vatican II đã lặp lại lời của các Giáo phụ xưa rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Eva, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Eva đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Eva, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (x.Lumen gentium, số 56).


1.2. Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội

Thánh sử Luca, trong trình thuật việc Sứ thần Gabriel loan báo cho Đức Trinh Nữ Maria, đã cho thấy vị thế độc nhất vô nhị của Mẹ: “Ave Maria! Hỡi Đấng đầy ân sủng”. Thật vậy, không ai được “đầy ân sủng như Mẹ”. Chỉ một mình Mẹ thôi, vì từ ngày Adam - Eva phản bội, thì “Người Nữ sẽ đạp đầu con rắn” chính là Mẹ: nếu Mẹ lệ thuộc vào Satan, nếu Mẹ vướng mắc tội nguyên tổ, thì Mẹ làm sao đạp đầu con rắn?

Mẹ đã được đặc ân Vô Nhiễm, không phải do công trạng của cha mẹ, hay của chính Mẹ, mà do công nghiệp vô cùng của Con Chí Thánh là Chúa Giêsu Kitô. Hơn nữa, đặc ân Vô Nhiễm là một đặc ân thiết yếu để thực hiện công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Chính Đức Mẹ, khi hiện ra với Benadeta tại hang đá Lộ Đức vào năm 1858 đã xác nhận rằng: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Hội Thánh đã nhận thức rằng, Đức Maria vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ân sủng”, nên được cứu chuộc ngay từ lúc thụ thai. Đó là nội dung tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm 1854.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã dạy:

“Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc tượng thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ loài người (DS 2803). Mẹ có được “sự thánh thiện tuyệt vời có một không hai” “ngay từ lúc tượng thai” hoàn toàn là do Đức Kitô: Mẹ đã “được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con Mẹ”. Hơn bất cứ thụ tạo nào khác, Chúa Cha đã thi ân giáng phúc, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô” (Ep 1,3). Người “đã chọn Mẹ trong Đức Kitô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trúớc thánh nhan Người, Mẹ trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (x.Ep 1,4).( x.SGL số 491, 492)


2. Mầu Nhiệm Nhập Thể Và Mầu Nhiệm Vượt Qua

Mầu nhiệm Nhập thể là cách thức biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, trao ban vô điều kiện; và đây cũng là biến cố trọng đại mang lại ơn cứu độ cho con người. Vì thế, biến cố Nhập thể là một trong những biến cố độc nhất vô nhị trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, do việc hạ sinh Ngôi Lời cách nhiệm mầu (x.GLHTCG 464). Mặt khác, Nhập thể còn là hành trình đầy khiêm hạ mà Ngôi Hai rời bỏ vinh quang Thiên Chúa, trở nên người phàm, đi vào và “cắm lều” trong thế giới nhân loại để sống như người trần thế, ngoại trừ tội lỗi (x.Pl 2,6-11). Quả thật, đến lúc vào thời viên mãn, Thiên Chúa đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của Ngài và đồng thời mạc khải tình thương cách sung mãn nhờ mầu nhiệm Nhập thể. Nói cách khác, mầu nhiệm Nhập thể chỉ được thực hiện trong công cuộc cứu độ cách thành toàn nhất trong Tân Ước.


2.1. Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời

Trước hết, Ngôi Lời sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, xét trong chiều kích tiền hữu của Ngôi Lời, đã được thánh Gioan tông đồ xác tín: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời là Thiên Chúa; nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (x.Ga 1,1-3). Tuy nhiên, trong Cựu Ước, Ngôi Lời thường được hiểu là sự Khôn Ngoan và là lời hằng hữu thông minh thượng trí của Thiên Chúa. Lời hằng hữu cùng với sự khôn ngoan ấy luôn tương quan nội tại và hiệp thông trong tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, khôn ngoan được nhân cách hoá (x.Cn 8,1; 9,6), được phát xuất từ Thiên Chúa, từ nguyên thủy đã hiện hữu đời đời, trước khi có mặt đất, được linh hoạt ứng xử như Lời Chúa, và được sai xuống trần gian để nên nghĩa thiết với con người sâu xa đến độ tự huỷ mình ra không (x.Cn 8,31; Br 3,37-38). 


2.2. Đức Kitô trong mầu nhiệm Tự hủy - Kenosis

Mầu nhiệm Kenosis không chỉ được diễn tả nơi cái chết trên thập giá, nhưng đúng hơn là sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Chúa Giêsu từ khi nhập thể đến khi chịu chết.

Trong linh thao, thánh Inhaxiô nói đến hai chuẩn mực, hai con đường khác nhau giữa Chúa Giêsu và Satan: con đường của Satan là sự giàu có, vinh quang, danh dự, kiêu ngạo, từ đó sinh ra tội lỗi dẫn đến sự chết. Con đường của Chúa Giêsu mời gọi là sự nghèo khó, sỉ nhục, khiêm nhường, tự hạ là con đường dẫn tới sự sống đời đời.

“Kenosis” là một sự từ bỏ, tự hủy mình ra không. Chúa Giêsu “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,7). Việc nhập thể diễn ra nhờ sự hạ mình: Đức Giêsu biến mình thành tôi tớ Thiên Chúa, Người vâng phục Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá (x.Pl 2,5-11).

Đức Kitô “tự hạ” là một chủ đề lớn trong Kitô Học. “Tự hủy” không phải chỉ được hiểu trong cuộc thương khó và cái chết của Đức Kitô, nhưng về căn bản phải được hiểu qua chính biến cố Nhập thể. Vì tự bản chất, con người chỉ là thụ tạo, chỉ là hư vô, mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy kiếp người. Ngài đã tự hạ mình để nâng con người lên “thần hóa con người”. Và khi tự hạ, Đức Giêsu cũng chấp nhận mang nơi mình sự hư vô đó, để chia sẻ với con người sự thấp hèn, đau khổ phát sinh tự bản tính hư vô ấy để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Nhờ Kenosis của Đức Kitô, Chúa Cha tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (x.Pl 2,9).

Đức Kitô tự huỷ để hiện diện giữa loài người qua việc nhập thể. Người cử hành hy tế thập giá trên bàn thờ để thông ban ơn cứu độ. Do đó, hy tế Thánh Thể biểu lộ sự tự huỷ thẳm sâu nhất của Đức Giêsu Kitô; Người dâng mình cho Chúa Cha để được đi sâu vào thế giới loài người, trao ban chính mình cho họ để họ được sống và sống dồi dào trong sự sống của Người (x. Lc 22,7-20; Mt 16,17-29; Mc 14,12-25; 1Cr 11,23-26)

Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu Kitô đã xác định sự hiện diện của Người trong Bí Tích Thánh Thể, là sự hiện diện với tư cách là Đấng dâng mình làm lễ vật hy tế. Trong tư cách đó, sự hiện diện của Người cũng là sự hiện diện của Đấng là Ngôi Lời Nhập thể. Vì thế, trong hy tế Thánh Thể, Người tự huỷ trong chính sự hiện diện của Người và tự huỷ trong việc Người dâng hiến chính mình. Nói đúng hơn, để hiện tại hóa hy tế cứu độ, Ngôi Lời Nhập thể đã tự huỷ để hiện diện, để dâng hiến chính mình trong hy tế Thánh Thể. Do đó, Con Thiên Chúa làm người đã chọn con đường tự huỷ để loại trừ quyền lực của tội lỗi. Đó là đường lối theo lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa để cứu độ loài người, vì “Thiên Chúa sai Con mình đến mang thân xác giống thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta. Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3). Chính trong đường lối tự huỷ đó, Đức Giêsu Kitô biểu lộ Người là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x.1Cr 2,6-10). Người đã tái tạo lại thế giới qua việc Nhập thể, và đã lấy chính Mình Máu Người để nuôi dưỡng con cái mình.



III. Ba Ngôi Thiên Chúa Trong Công Trình Thánh Hoá


1. Thánh Hóa Con Người Qua Bí Tích Rửa Tội

Đức Thánh Cha Phanxico đã mở màn cho loạt bài giáo lý về Bí Tích bằng bài giáo lý về Phép Rửa liên quan đến sự sống vĩnh hằng. “Phép Rửa là một bí tích làm nền tảng cho đức tin của chúng ta và liên kết chúng ta trong Chúa Kitô cũng như trong Giáo Hội của Người như là những phần thể sống động. Cùng với Bí Tích Thánh Thể và Thêm Sức, cả ba làm nên bộ bí tích được gọi là “Khai Mở Kitô Giáo - Christian Initiation”, một cuộc khai mở tạo nên như là một đại biến cố duy nhất về bí tích khiến chúng ta nên giống Chúa và làm cho chúng ta trở thành một dấu hiệu sống động về sự hiện diện và tình yêu thương của Người”

Thánh Phaolô viết:

“Anh em không biết rằng tất cả chúng ta được thanh tẩy trong Chúa Giêsu Kitô là anh em đã được thanh tẩy trong cái chết của Người hay chăng? Bởi đó, chúng ta đã được mai táng với Người nơi cái chết nhờ phép rửa để như Chúa Kitô đã được sống lại từ trong kẻ chết nhờ vinh quang của Cha thế nào thì cả chúng ta nữa cũng được sống một sự sống mới như vậy” (Rm 6,3-4).

“Thế nên, phép rửa không phải là một thứ hình thức! Phép rửa là một tác động sâu xa chạm đến việc hiện hữu của chúng ta. Một người lãnh nhận phép rửa và một người không lãnh nhận không giống nhau. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được chìm ngập vào nguồn sống vô tận là cái chết của Chúa Giêsu, một tác động yêu thương cao cả nhất trong toàn bộ lịch sử; và nhờ tình yêu này chúng ta có thể sống một sự sống mới, không còn bị thống trị bởi sự dữ, tội lỗi và sự chết, nhưng được hiệp thông với Thiên Chúa và anh em”.


2. Thánh Hóa Con Người Qua Bí Tích Thêm Sức

“Nếu trong Bí Tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần dìm chúng ta trong Chúa Kitô thì trong Bí Tích Thêm Sức, Chúa Kitô làm cho chúng ta được tràn đầy Thần Khí của Ngài, bằng cách thánh hiến chúng ta thành những chứng nhân của Ngài, tham dự vào sự sống và sứ mệnh trong chương trình của Thiên Chúa”.

Ngày 23 tháng 5 năm 2018 Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có hai nhóm Việt Nam: nhóm 51 tín hữu Sydney Australlia với cha trưởng đoàn và cha linh hướng, nhóm 13 linh mục và 3 giáo dân Thái Bình.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa của Bí Tích Thêm Sức và vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của kitô hữu bằng cách khai triển ý nghĩa trình thuật Tin Mừng thánh Luca chương 4 viết rằng: “Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (x.Lc 4,16-18).

Đức Thánh Cha nói: “sau các bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội, các ngày tiếp theo lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống này mời gọi chúng ta suy tư về chứng tá, mà Thần Khí dấy lên nơi những người đã được rửa tội, bằng cách chuyển động cuộc sống của họ, mở ra cho thiện ích của những người khác. Chúa Giêsu đã trao phó cho các môn đệ của Ngài một sứ mệnh lớn lao: “Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian” (x.Mt 5,13-16). Đây là các hình ảnh khiến nghĩ tới cung cách hành xử của chúng ta, vì thiếu hay quá nhiều muối khiến cho thức ăn không ngon, cũng như thiếu hay quá nhiều ánh sáng ngăn cản chúng ta trông thấy”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Chỉ có Thần Khí của Chúa Kitô mới có thể thực sự khiến cho chúng ta trở thành muối trao ban hương vị và giữ cho khỏi hư thối, và trao ban ánh sáng chiếu soi thế giới. Đó là ơn chúng ta nhận được trong Bí Tích Thêm Sức, mà tôi muốn cùng anh chị em dừng lại suy tư. Gọi là “Thêm Sức” bởi vì nó xác nhận Bí Tích Rửa Tội và củng cố ơn thánh của nó (x.GLCG,1289); cũng như “Xức Dầu Thánh”, từ sự kiện Thần Khí qua việc xức dầu “Crisma” là dầu ô liu trộn với mùi thơm đã được Giám mục thánh hiến - Cresima Cristo là từ quy chiếu Chúa Kitô, Đấng đã được xức dầu của Thánh Thần”.

Tái sinh vào cuộc sống thiên linh trong Bí Tích Rửa Tội là bước đầu tiên; cần phải có cung cách hành xử như con cái Thiên Chúa nữa, hay đồng hình dạng với Chúa Kitô hoạt động trong Giáo Hội, bằng cách lôi cuốn chúng ta vào trong sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Việc xức dầu của Thánh Thần lo liệu cho việc ấy: “không có sức mạnh của Ngài, không có gì trong con người cả”. Không có sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta không thể làm được gì.


3. Vai Trò Của Chúa Thánh Thần Trong Công Trình Thánh Hóa

Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về vai trò của Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa ban cho mỗi Kitô hữu như món quà đầu tiên. Ngài phát biểu: “Không có Chúa Thánh Thần, niềm vui trở thành nỗi buồn, tình yêu thành thói quen ...”.Ngài mời gọi các tín hữu gìn giữ ngọn lửa Chúa Thánh Thần - tình yêu Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mang xuống thế gian. Không có ngọn lửa của Thần Khí, những lời tiên tri sẽ bị dập tắt, nỗi buồn thay cho niềm vui, thói quen thay thế tình yêu, việc phục vụ trở thành nô lệ. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục suy tư về kinh nguyện trong tương quan với Chúa Ba Ngôi, đặc biệt về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện của Kitô hữu. Ngài đã cho các tín hữu thấy rằng qua cầu nguyện, nhờ Chúa Thánh Thần, họ được chia sẻ vào đời sống của Chúa Ba Ngôi.

3.1. Chúa Thánh Thần là quà tặng đầu tiên của mỗi kitô hữu

Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nói rằng, quà tặng đầu tiên được ban cho mỗi cuộc sống của kitô hữu chính là Chúa Thánh Thần. Nó không phải là một trong nhiều quà tặng, mà là quà tặng cơ bản. Không có Chúa Thánh Thần thì không có tương quan với Chúa Kitô và với Chúa Cha. Vì Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta ra với sự hiện diện của Thiên Chúa và lôi cuốn nó vào “cơn lốc” tình yêu là chính trái tim của Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ là khách trọ và lữ khách trong hành trình trên mặt đất này, chúng ta cũng là khách và người hành hương trong Chúa Ba Ngôi. Chúng ta giống như tổ phụ Ápraham, một ngày kia khi đón ba người đi đường vào lều của mình, đã gặp Thiên Chúa. Nếu chúng ta có thể cầu khẩn Chúa và gọi Người “Abba” - nghĩa là lạy Cha, là bởi vì Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta; chính Người biến đổi chúng ta một cách sâu sắc và làm cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui cảm động được Thiên Chúa yêu thương như những người con đích thực của Người.


3.2 Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giê-su hiện diện với chúng ta

Đức Giáo Hoàng trích dẫn Giáo Lý Công Giáo số 2670: “Mỗi lần chúng ta muốn cầu nguyện với Chúa Giêsu, chính Chúa Thánh Thần dùng ơn tiền sủng đưa chúng ta vào kinh nguyện. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết cầu nguyện bằng cách nhắc ta nhớ đến Chúa Kitô. Vậy tại sao chúng ta không cầu xin chính Chúa Thánh Thần? Vì thế, Hội Thánh kêu gọi chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc mỗi việc quan trọng”.

Đức Thánh Cha lưu ý đây là hoạt động của Thánh Thần trong chúng ta. Người “nhắc nhở” chúng ta về Chúa Giêsu và làm cho Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta, để Người không bị quên lãng như một nhân vật lịch sử. Nếu Chúa Giê-su Ki-tô chỉ thuộc về một thời gian rất xa xôi, chúng ta sẽ cô đơn và lạc lõng giữa thế giới. Nhưng trong Chúa Thánh Thần, mọi sự đều sống động: khả năng gặp gỡ Chúa Kitô được mở ra cho các kitô hữu ở mọi nơi và mọi lúc. Người không ở đâu xa, Người ở với chúng ta: Người vẫn giáo dục các môn đệ bằng cách biến đổi tâm hồn họ, như Người đã làm với thánh Phêrô, thánh Phaolô và thánh Maria Mađalêna...


3.3 Giữ cho ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa luôn cháy sáng

Theo Đức Thánh Cha, nhiệm vụ đầu tiên của Kitô hữu chính là giữ cho ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang xuống trần gian (x. Lc 12,49), tức là Tình Yêu Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, luôn cháy sáng. Không có ngọn lửa của Thần Khí, những lời tiên tri sẽ bị dập tắt, nỗi buồn thay cho niềm vui, thói quen thay thế tình yêu, việc phục vụ trở thành nô lệ. Hãy nghĩ đến hình ảnh ngọn đèn thắp sáng cạnh Nhà Tạm, nơi lưu giữ Thánh Thể. Ngay cả khi nhà thờ trống vắng và bóng tối buông xuống, ngay cả khi nhà thờ đóng cửa, ngọn đèn đó vẫn sáng, vẫn tiếp tục cháy: không ai nhìn thấy nó, nhưng nó vẫn cháy trước mặt Chúa.


3.4. Chúa Thánh Thần viết nên lịch sử của Giáo Hội và của thế giới

Đức Thánh Cha trích dẫn Giáo lý Công giáo số 2672:

“Khi chúng ta được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thấm nhập toàn thể con người chúng ta, trở thành người Thầy nội tâm dạy cho ta biết cầu nguyện. Người là tác giả truyền thống kinh nguyện sống động của Hội Thánh. Có bao nhiêu người cầu nguyện thì cũng có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng tác động trong mọi người và cùng với mọi người. Được hiệp thông nhờ Chúa Thánh Thần, khi Kitô hữu cầu nguyện, họ cầu nguyện trong Hội Thánh”.

Ngài nhấn mạnh: chính Thánh Thần là Đấng viết nên lịch sử của Giáo Hội và của thế giới. Chúng ta là những trang giấy trắng luôn mở sẵn để Người viết vào. Và trong mỗi người chúng ta, Chúa Thánh Thần sáng tác các tác phẩm nguyên bản, bởi vì không bao giờ có một kitô hữu nào hoàn toàn giống với một kitô hữu khác. Trong lãnh vực vô biên của sự thánh thiện, Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi Tình Yêu, cho phép muôn vàn nhân chứng nở rộ: tất cả đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng cũng độc nhất về vẻ đẹp mà Chúa Thánh Thần muốn làm phát sinh nơi mỗi người, mà lòng thương xót của Thiên Chúa đã biến thành con cái của Người.


4. Cuộc Chiến Giữa Hai Thần Lực


4.1. Từ gương Chúa Giêsu

Thiên Chúa thương con người phải vất vả chiến đấu với Satan nên đã sai Con của Người là Đức Giêsu đến để đồng hành với loài người. Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tự hủy: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Ngài sống với loài người để hiểu và cảm nhận những yếu hèn, giúp loài người có phương cách chiến đấu và chiến thắng cám dỗ, nên Ngài trải qua 40 ngày đêm chay tịnh và thắng cám dỗ nhờ biết kết hợp với Chúa Cha và dùng Lời Chúa để đối đáp với ma quỷ (x.Mt 4).


4.2. Từ ân sủng của Thánh Thần

Chúa Thánh Thần ban ơn cho muôn dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Các tông đồ dù không có văn chương chữ nghĩa như các tư tế, luật sĩ, nhưng nhờ Chúa Thánh Thần trực tiếp dạy dỗ và hướng dẫn, nên trong lúc rao giảng tại Giêrusalem vào dịp Lễ Ngũ Tuần dù các ngài nói tiếng mẹ đẻ, muôn dân từ các vùng khác văn hóa, ngôn ngữ vẫn hiểu được. Họ ăn năn sám hối, “và ngày hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo”. (x.Cv 2,3-41).


4.3. Qua gương các tông đồ thời Giáo Hội sơ khai

Khi bị thẩm vấn, các tông đồ đã trả lời rằng chúng tôi sợ Chúa hơn sợ các ông,và chúng tôi tiếp tục rao giảng sự thật mà Chúa ban cho chúng tôi (x.Cv 4,20), Giáo quyền không dám trực tiếp hành hung mà chỉ ra chỉ thị và khuyên răn là đừng rao giảng về ông Giêsu nữa, nếu cứ tiếp tục thì coi như các ông buộc tội cho chúng tôi đã sát hại ông ấy (x.Cv 4,22). Các tông đồ được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần vượt qua bức tường giáo luật Môisen,dù bị ngăn cấm, bách hại, các Ngài vượt qua ranh giới Giêrusalem đi rao giảng cho muôn dân ở các nước khác. Chúa ban cho các ngài ơn thiêng dồi dào và kèm theo quyền chữa bệnh và trừ qủy (x.Mt 9,1). Vì vậy, “dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao” (x.Mc 16,18).


4.4. Qua gương của thánh Phaolô tông đồ dân ngoại

Thánh Phaolô, khi bị dân Do Thái khai trừ, họ không chấp nhận ơn và quyền năng Chúa ban cho ngài, nên ngài đã đến tận Hy Lạp và các vùng chung quanh để rao giảng Tin Mừng. Tại những nơi đó, ngài đã thành lập các Giáo Hội địa phương.

Các Giáo Hội do thánh Phaolô thành lập vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày hôm nay. Đó là công trình vĩ đại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Satan là cha đẻ của sự kiêu ngạo vì ghen tức nên đã và đang chống phá công trình này, nên cuộc chiến giữa hai thần lực vẫn còn tiếp diễn cho đến chung cuộc.


5. Hoạt Động Của Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Thời Đại Mới

Chúa Thánh Thần đã cùng tạo dựng vũ trụ với Chúa Cha và Chúa Con từ thuở ban đầu (x.St 2,2). Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay như Công Đồng Vaticano II xác định: thời đại này là thời đại của Chúa Thánh Thần. Kitô hữu nhận Chúa Thánh Thần khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và được thêm ơn để rao giảng và làm chứng nhờ Bí Tích Thêm Sức. Mỗi người được Chúa Thánh Thần giúp đỡ và sai đi loan báo Tin Mừng bằng chứng tá đời sống.

Ngày nay, Ngôi Vị Chúa Thánh Thần được mạc khải rõ nét nhất khi Chúa Giêsu về trời thì Ngài đã thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ. Chúa Thánh Thần không thể hiện rõ Ngôi Vị làm người như Chúa Con. Nhưng Ngài dùng Thần Khí của Thiên Chúa mà tác động trên các tông đồ, trên những người thuộc về Hội Thánh, những người tin Chúa để tiếp tục sống và làm những điều Chúa Giêsu đã dạy. Ngài là Chân Lý, là Ánh Sáng thế gian, đến để làm chứng thế gian đang sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử, đến để vạch tội thế gian để cứu thế gian (x.Ga 16,8).

Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong mỗi tâm hồn. Ngài là gió, là Thần Khí, là Sự Thật. Ngài chính là Thiên Chúa thật. Công trình cứu độ của Ngài luôn có sự hợp nhất của Ba Ngôi Vị Thiên Chúa duy nhất. Chính Ngài đến hoạt động trong tâm hồn mỗi người nhằm làm cho con người nhớ lại những Lời của Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu họ sẽ đến với Chúa Cha (x.GLCG 729).


5.1. Hoạt động linh động của Thánh Thần thời đại mới

Con người đang trên đường tiến về nhà Cha trên trời và trên đường đi có Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần hoạt động và đồng hành cùng con người, giúp con người chiến đấu với lũ quỷ Satan, và giúp con người nhớ lại và sống những Lời Chúa Giêsu đã chỉ dạy để linh hồn đó luôn thuộc về Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan, nhưng Satan sẽ còn tiếp tục đánh chúng ta. Vì vậy, thời hoạt động của Chúa Thánh Thần, Ngài đã cho các thiên thần xuống thế làm người để ở cùng và giúp đỡ con người trong thời đại mới này.


5.2. Thánh Thần đã, đang và sẽ hoạt động trong công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa

Không phải bây giờ Chúa Thánh Thần mới hoạt động, mà Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động trong công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, từ khi công trình tạo dựng đến thời của Chúa Giêsu và thời các tông đồ, trong Hội Thánh của Ngài (x.GLHTCG 686). Công trình tạo dựng cứu độ của Thiên Chúa luôn là tiệm tiến. Nhìn lại lịch sử thời Cựu Ước cho đến thời Tân Ước cũng trải qua thời gian chuẩn bị rất dài. Từ ngày Lễ Ngũ Tuần Chúa ban “Hơi Thở” cho các tông đồ, cho các thánh. Trong Hội Thánh qua các buổi họp Công đồng, các tín điều, các hiến chế, thì cũng đều có Chúa Thánh Thần hoạt động, Ngài "trang bị và điều khiển Hội Thánh bằng nhiều ân huệ phẩm trật và các đặc sủng khác nhau" (LG 4).

Qua thời gian chuẩn bị và hoạt động cách tiệm tiến thì Ngài chọn Chu Thiên Thương để tiếp tục công trình cứu độ của Ngài: Giúp tái truyền giáo, trừ quỷ và chữa lành, cho thấy thể hiện rõ ngôi vị Chúa Thánh Thần hoạt động, làm nổi bật được quyền năng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong thời đại Chúa Thánh Thần hoạt động luôn có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa.


5.3. Hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Nhà Chúa Cha

Thời đại này là thời đại của Chúa Thánh Thần hoạt động, nhưng chưa phải là thời kỳ kết thúc; khi Thiên Chúa đến lần thứ hai thì công trình cứu độ của Thiên Chúa mới hoàn thành. Từ lúc công trình được tạo dựng cho đến khi kết thúc công trình cứu độ, Ba Ngôi Thiên Chúa không bao giờ tách rời nhau. Công trình cứu độ của Thiên Chúa, Ngài đã chuẩn bị ngay từ thời Cựu Ước, khi Ngài bắt đầu chọn mười hai chi tộc Israel; cho tới thời Chúa Giêsu Kitô, Ngài chọn mười hai Tông Đồ; và đến thời nay là thời của Chúa Thánh Thần, Ngài chọn mười hai viên đá tại Công Trình Nhà Chúa Cha. Nhà Chúa Cha ở Bảo Lộc là một tỉnh thành nhỏ bé của đất nước Việt Nam.

Nơi đây, được Thiên Chúa chọn, gọi là Công trình của Thiên Chúa là Thành Thánh Giêrusalem thứ hai, là nơi Chúa Thánh Thần đang ngự trị. Chúa Thánh Thần đã thổi hơi và đang hoạt động tại nơi đây. Ngài đặt mười hai viên đá để xây nền cho Công trình của Thiên Chúa; và Chúa Thánh Thần đã hoạt động từ khi tạo dựng trời đất cho đến bây giờ; nhưng đến thời đại này thì Ngài thể hiện rõ nét nhất. Ngài đã chuẩn bị công trình của Ngài hơn hai ngàn năm, và đến thời đến buổi là thời đại mới này Thiên Chúa đã chọn, đặt để Công trình của Thiên Chúa tại Bảo Lộc. Nơi đây, được gọi là Thiên Đàng trần gian, vì có sự hiện diện và đồng hành của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh luôn ngự trị. Các ngài cũng ngự trị tại nơi được chính Thiên Chúa chỉ định đặt Hòm Bia gọi là Đất Thánh của Nhà Chúa Cha cách khu cung điện khoảng 7 hoặc 8 cây số.

Qua phần trình bày trên, với loạt bài chia sẻ của Đức Thánh Cha về hoạt động linh hoạt và cụ thể của Chúa Thánh Thần trong suốt dòng lịch sử cứu độ cho đến khi hoàn thành, dạy chúng ta hiểu rằng: Thiên Chúa là Đấng toàn năng hằng hữu. Ngài không bị nhốt chặt trong những định tín, trong những tín điều buộc phải tin phải giữ để là Kitô hữu. Nhưng Ngài đến ở với con người cho đến ngày tận thế. Thiên Chúa hằng sống luôn dùng Thánh Thần của Ngài xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật; làm cho thân xác chúng ta xứng đáng là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, là nơi Ba Ngôi Thiên Chúa vui thích ngự đến.

Xin Chúa Chúc Lành Cho Mọi Người

7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page